Về dự án xây dựng đường đi bộ ven sông Hương (Huế): Vẫn băn khoăn giữa đá và gỗ
VH- Không gian con đường đi bộ ven sông Hương (TP Huế) đang được triển khai xây dựng, kỳ vọng sẽ mở ra điểm nhấn quan trọng cho đô thị và phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai lát sàn gỗ lim thay vì lát đá xanh tự nhiên trên đường đi bộ này đã, đang nhận được ý kiến nhiều chiều.
Phối cảnh đường đi bộ bờ Nam ven sông Hương được lát sàn gỗ lim rộng 4m Ảnh: Ban Quản lý dự án cung cấp
Dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương” (TP Huế) đã được khởi động xây dựng từ đầu năm 2018.
Đây là dự án thí điểm trong Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện với tổng kinh phí tài trợ 6 triệu USD. Dự án thí điểm này do KOICA đề xuất, được tư vấn bởi Công ty tư vấn kỹ thuật Dohwa và Viện Nghiên cứu đô thị Han – A (Hàn Quốc), với kinh phí 2,84 triệu USD (khoảng 64 tỉ đồng). Trong đó, riêng chi phí để lát sàn gỗ lim là hơn 42 tỉ đồng.
Tạo điểm nhấn cho đô thị Huế
Đơn vị thi công đang ép cọc để tiến hành thực hiện xây đường đi bộ bờ nam sông Hương Ảnh: Sơn Thùy
Theo Ban Quản lý dự án, trục đường đi bộ bờ nam ven sông Hương nói trên dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (đoạn gần cầu Trường Tiền) đến công viên Lý Tự Trọng (trước mặt Bệnh viện Trung ương Huế). Hiện đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đóng cọc để tiến hành thực hiện dự án.
Để hình thành con đường này, đơn vị thi công tiến hành đóng cọc bê tông xuống sông Hương, sau đó đổ dầm bê tông, lòng đường đi bộ được lát sàn bằng gỗ lim. Sàn bê tông cốt thép dày hơn 20cm, sàn gỗ lim dày 4cm và có hệ thống khung xương inox để kết nối. Lan can của con đường được làm bằng đồng thau với độ cao hơn 1,4 mét; kết hợp với hệ thống tay vịn bằng gỗ… Đường đi bộ sẽ chia làm 3 không gian với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường nhỏ tổ chức sự kiện… Những đường dốc, ki-ốt, bồn hoa, trên đường đi bộ phải tạo kiến trúc nhẹ nhàng, thiết kế đơn giản bằng vật liệu gỗ phù hợp.
Ban Quản lý dự án cho biết, việc sử dụng gỗ lim lát sàn đường đi bộ là phù hợp với điều kiện khí hậu của Huế bởi đây là vật liệu tự nhiên dễ gia công, không bị mối mọt, không bị biến dạng trong khí hậu nóng ẩm, chịu lực tốt. Ông Lê Minh Diễu (nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược Huế) cho rằng, nếu việc thực hiện dự án đảm bảo yếu tố bền vững và đưa lại giá trị thẩm mỹ, góp phần thu hút khách du lịch đến Huế thì cần ủng hộ. Tuy nhiên, song song với dự án này, “tôi mong muốn lãnh đạo TP Huế quan tâm đến việc nâng cấp, chỉnh trang đoạn còn lại của phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hiện nay, nhằm tránh tình trạng đoạn đường lát gỗ thì tập trung quá đông mà đoạn đường cũ này thì vắng vẻ…”.
Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, khi công khai quy hoạch và lấy ý kiến về dự án đường đi bộ lát sàn gỗ lim này đã có nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó đồng tình cũng nhiều và phản đối cũng không ít. Tuy nhiên, sau khi tham khảo và cân nhắc trên nhiều phương diện, tỉnh quyết định vẫn phải triển khai thực hiện.
Người dân xem để góp ý về Quy hoạch hai bờ sông Hương do KOICA tài trợ, trong đó có dự án thí điểm xây dựng đường đi bộ lát sàn gỗ lim hồi tháng 6.2017 Ảnh: Sơn Thùy
Vẫn còn những băn khoăn
Khi công bố quy hoạch và lấy ý kiến cho đến khi triển khai xây dựng dự án này, UBND TP Huế và Ban Quản lý dự án đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó không ít người bày tỏ lo lắng về việc sử dụng lát sàn gỗ lim khi Huế là vùng mưa nắng khắc nghiệt, và thường xuyên chịu lũ lớn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, trong những lần được mời dự họp về dự án này, “tôi đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc xây dựng đường đi bộ lát sàn gỗ ven sông Hương này. Bởi, vẻ đẹp của sông Hương là tự nhiên, nếu có một con đường mới trên mặt sông thì nó sẽ phá vỡ cảnh quan; thêm vào đó, thời tiết mưa lũ ở Huế rất khắc nghiệt nên dễ xuống cấp, hư hỏng”. Ông Nguyễn Hữu Oánh, người làm xây dựng lâu năm tại TP Huế nói thêm, lũ của sông Hương là lũ núi, nếu có gì trên dòng sông gây cản trở thì sẽ ảnh hưởng đến việc thông thủy nên rất nguy hiểm. Mặc dù dự án chỉ ép cọc bê-tông xuống sông nhưng nó cũng cản trở không nhỏ đến dòng chảy.
Khi đưa ra thiết kế quy hoạch này, mục tiêu của dự án nhằm tạo điểm trung tâm liên kết khu vực ven sông Hương với cồn Hến và cồn Dã Viên; kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hiện có đến công viên Lý Tự Trọng; và tạo điểm nhấn cho tầm nhìn phía bắc bờ sông.
Trả lời báo chí về vấn đề dư luận quan tâm đến việc lát sàn gỗ lim cho đường đi bộ, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lãnh đạo UBND TP Huế từng báo cáo, khi lấy ý kiến của cộng đồng về dự án này đã có đến 75% người đồng tình. Một số ý kiến không đồng ý, nhưng đó là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được. “Chúng tôi tin rằng, sau khi hoàn thành được đường đi bộ này, sẽ là điểm dừng chân thú vị cho du khách ngắm cảnh. Có thể sẽ có những vấn đề này nọ, nhưng sẽ điều chỉnh dần. Còn việc lát sàn gỗ, bộ phận thiết kế kỹ thuật đã tiến hành thử nghiệm và chứng minh làm được. Khi người ta đã chứng minh được, thiết kế được thì người ta có cái để làm”, ông Dung nói. Ông Dung cũng cho rằng, địa phương luôn tôn trọng và tiếp thu ý kiến của những người chưa đồng ý để sửa chữa, điều chỉnh.
Dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương” (TP Huế) đã được khởi động xây dựng từ đầu năm 2018. Đây là dự án thí điểm trong Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện với tổng kinh phí tài trợ 6 triệu USD. Dự án thí điểm này do KOICA đề xuất, được tư vấn bởi Công ty tư vấn kỹ thuật Dohwa và Viện Nghiên cứu đô thị Han-A (Hàn Quốc), với kinh phí 2,84 triệu USD (khoảng 64 tỉ đồng). Trong đó, riêng chi phí để lát sàn gỗ lim là hơn 42 tỉ đồng. |
Chúng tôi tin rằng sau khi hoàn thành được đường đi bộ này, sẽ là điểm dừng chân thú vị cho du khách ngắm cảnh. Có thể sẽ có những vấn đề này nọ, nhưng sẽ điều chỉnh dần. Còn việc lát sàn gỗ, bộ phận thiết kế kỹ thuật đã tiến hành thử nghiệm và chứng minh làm được. Khi người ta đã chứng minh được, thiết kế được thì xây dựng. (Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) |
Sơn Thùy